Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Đông Quang - Huyện Đông Sơn - Tỉnh Thanh Hóa

Bài giới thiệu về di tích lịch sử cấp tỉnh Đình làng Minh Thành, xã Đông Quang

Đăng lúc: 00:00:00 08/03/2023 (GMT+7)
100%
Print

Đình Làng Minh Thành là một trong những di tích của tỉnh Thanh Hoá mang đậm dấu ấn văn hoá, tín ngưỡng truyền thống, lịch sử và truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta

           Đình Làng Minh Thành là một trong những di tích của tỉnh Thanh Hoá mang đậm dấu ấn văn hoá, tín ngưỡng truyền thống, lịch sử và truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Đây không chỉ là một trong số những ngôi Đình gắn liền với quá trình khai lập làng xã xưa của cha ông ta mà nó còn gắn liền với lịch sử thăng trầm của đất nước trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước của dân tộc. Đến và tìm hiểu về Đình làng Minh Thành không chỉ giúp du khách, các nhà nghiên cứu hiểu thêm về quá trình khai canh lập làng của cha ông ta trong lịch sử mà còn hiểu thêm về cơ cấu, tổ chức làng xã, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng tâm linh cộng đồng của cư dân nơi đây.

Đình làng Minh Thành là nơi thờ vị thần Cao Sơn đại vương, duệ hiệu là Chiêu hiền phổ tế thượng đẳng tối linh thần đại vương do các triều đại phong kiến phong tặng. Về thân thế, sự nghiệp của vị Chiêu hiền phổ tế thượng đẳng tối linh thần đại vương, Thần vừa là vị nhân thần và là vị thiên thần, được thiên đình sai xuống cai quản vùng đất Thạch Đường tức xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá ngày nay, với vai trò là vị thiên sứ vương, được thiên đình sắc mệnh cai quản vùng đất này. Đối với nhân dân, thần thường hiển linh giúp đỡ trừ thiên tai, địch hoạ, dịch bệnh để nhân dân có cuộc sống ấm no, thanh bình, an lạc. Khi đất nước gặp nạn ngoại xâm, giặc Minh xâm lược nước ta (đầu thế kỷ XV), thần lại hiển linh giúp vua Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập tự chủ cho nước nhà, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội của đất nước thời bấy giờ. Đến đời vua Lê Thánh Tông, giặc Chiêm Thành xâm lấn biên cương lãnh thổ, cướp bóc của cải của nhân dân, thần cũng đã hiển linh giúp vua Lê Thánh Tông dẹp yên biên cương, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nước Đại Việt, góp phần làm nên một nước Đại Việt dưới thời vua Lê Thánh Tông phát triển thịnh vượng về mọi mặt.

          Nói về sự linh thiêng của Thần và ngôi đình, ở hai cột hiên giữa của ngôi nhà có đôi câu đối chép như sau:

          Phiên âm:

          Thạch bất cảm đương nhiên kiến uý

          Thất như khả nhập khách giai dung

          Dịch nghĩa:

          Nếu như đá không đương đầu được, thì sẽ có người nhìn thấy ý sâu xa

          Nhà có thể vào được thì muôn khách đều được đón tiếp như nhau

          Bên hữu nhà Tiền đường là ban thờ bà cung tần Trần Thị Ngọc Cảnh. Theo sách Địa chí huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá và qua lời kể của các bậc cao niên trong làng cho biết, bà là người có công trong việc bỏ tiền của, ao, ruộng để trùng tu đình, đồng thời vừa làm tiền gửi giỗ cho tổ tiên và bản thân nên sau khi mất, bà được nhân dân lập bát hương thờ tại đình.

          Theo các bậc cao niên trong làng cho biết, Đình xưa có khuôn viên khá rộng lớn, kiến trúc được làm bằng gỗ, còn có ao đình, ruộng đình. Phía tây bắc có sông nhà Lê chảy qua ôm trọn toàn bộ phía sau ngôi đình. Vào khoảng năm 1953 – 1954, do sông nhà Lê bị sạt lở vào gần khu vực đình nên nhân dân phải dời ngôi đình vào vị trí như ngày nay. Năm 2005, đình được tu bổ, tôn tạo lại như ngày nay.

          Hiện đình toạ lạc trên một khu đất rộng, cao ráo và thoáng mát nhìn về hướng Tây Nam làng Minh Thành, có diện tích đất đai là 2.166,4m2. Phía tây bắc giáp cánh đồng của làng Minh Thành, phía tây nam giáp nhà văn hoá thôn, phía đông bắc giáp đường liên thôn, phía đông nam giáp khu vực dân cư trù phú của làng Minh Thành.

          Về quy mô cấu trúc: Đình thờ là một ngôi nhà cấu trúc theo kiểu chữ Đinh gồm có Tiền đường và Hậu cung.

          Tiền đường: là một ngôi nhà ba gian hai chái, tường hồi bít đốc có chiều rộng là 6,44m (trong đó hiên rộng 1,3m), dài 10,80m với tổng diện tích là 69, 552m2. Kết cấu kiến trúc gồm ba gian bốn bộ vì kèo, trong đó, hai bộ vì kèo số 2 và 3 được theo kiểu “vì kèo suốt”, hai bộ vì kèo số 1 và số 4 được làm theo kiểu thượng chồng rường hạ kẻ chuyển bẩy hiên.

          Hậu cung: là một ngôi nhà có kết cấu đơn giản, được xây nối liền và thông với nhà Tiền đường, gồm một gian, hai mái có kích thước chiều dài là 2m, rộng 3m. Vì kèo, rui, mè, đòn tay đều được làm bằng luồng, mái lợp ngói mũi lót liệt. Nền của cả nhà Tiền đường và Hậu cung đều được lát bằng gạch bát màu đỏ có kích thước 40cm x 40cm.

          Đại lễ hàng năm tại Đình được diễn ra vào các ngày: 12 tháng 2 là ngày thần hiển linh, ngày 9 tháng 11 là ngày thần hiển linh giúp quân nhà vua, ngày 12 tháng chạp là ngày lễ mừng, ngày 13 tháng 3 là ngày tế Xuân, ngày 10 tháng 5 là ngày khánh hạ. Từ xưa, việc tế lễ ở đình vẫn được tổ chức liên tục hằng năm. Lễ vật được dâng trong các ngày tế lễ gồm có thủ lợn, xôi, gà, bánh trái, trầu, rượu, vàng hương…. Ngoài ra, theo lệ cứ vào năm chẵn thì nhân dân lại tổ chức lớn một lần. Vào các năm được tổ chức lớn, ngoài các lễ vật thông thường như của các năm lẻ thì trong năm chẵn phải thay thủ lợn bằng một con lợn quay. Sau phần tế lễ, các trò chơi, trò diễn dân gian như: đi cầu phao, bắt vịt, bịt mắt bắt dê, kéo co…. cũng được tổ chức trong khuôn viên của đình.

 

 

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
513148

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289